Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 19, 2013

Những kỷ niệm về tướng Nguyễn Sơn

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:29 sáng

Blog PhamTon năm thứ năm, tuần 4 tháng 7 năm 2013.

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ TƯỚNG NGUYỄN SƠN

Hoài Việt

(Bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 11/12/1994)

Thời gian về công tác giảng dạy ở một trường quân đội do tướng Nguyễn Sơn làm hiệu trưởng danh dự, tôi có nhiều dịp được tiếp xúc với vị tướng lĩnh nổi tiếng một thời ấy. Trước đó, tôi đã được nghe nhiều mẩu chuyện mang màu sắc huyền thoại chung quanh người chỉ huy đáng quý của tôi. Ở chiến trường liên kNguyen Sonhu 5 cũ, tướng Nguyễn Sơn là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược Pháp. Trong lễ phong tướng, người nhận được 4 câu 12 từ do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng “đởm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương”. Giặc Pháp biết tướng Sơn tổ chức đại hội tập ở Thanh Hóa rất qui mô cho các lực lượng vũ trang và bán vũ trang toàn khu 4 cũ, song không dám cho mấy chiếc máy bay bà già lảng vảng đến, v.v… Trong trí tưởng tượng của tôi, tướng Sơn hẳn là một người ghê gớm lắm. Và tôi ao ước được gặp ông, một thứ ao ước mang tính chất trẻ thơ như các em thiếu nhi mong được gặp ông Bụt vậy.

Tổ Văn của tôi hồi đó có các anh Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Việt Thường, Hoàng Nguyên Dực, Hoàng Sĩ Trinh… thuộc biên chế quân đội. Ngoài ra còn có các anh Vũ Tuấn Sán, Trương Tửu đến dạy hợp đồng. Tôi là đứa em út của tổ. Do chiến tranh, hồi đó các trường đại học khác không mở, trừ trường Quân y. Tuần ba buổi, tôi cắp sách đến học thêm tiếng Pháp với anh Nguyễn Tiến Lãng. Một hôm tôi đến thì anh Lãng chỉ cho xem một tập bản thảo khá dày ở trên bàn và bảo:

Hôm nay tạm nghỉ được không? Mình đang cố xem cho xong bản dịch Tư bản luận đẻ đưa lại cho ông ấy.

–     Ai dịch vậy anh?

–     Ông Sơn.

–     Anh Võ Trí Sơn à?

–     Không, Cụ Sơn tư lệnh của bọn ta ấy mà.

Và anh Lãng tiếp luôn :

–    Chịu sức làm việc của ông ấy thật. Mới chỉ một tuần cụ đã làm được ngần này rồi. Mà vốn tiếng Pháp của Cụ cừ lắm, dịch rất thoát nhé !

Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên của tôi về tướng Nguyễn Sơn là như vậy. Sau đấy độ chừng một tháng, bất thình lình tướng Nguyễn Sơn đến chỗ anh LãnNguyen Tien Lang 2g. Nghe anh Lãng chào, tôi đứng bật dậy. Trước mắt tôi là một con người tóc rễ tre, da bánh mật, cằm bạnh, mặt vuông, mày hơi xếch và mắt rất sáng. Tôi đang thầm liên tưởng đến nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều thì có tiếng nói sau một cái vỗ vai :

–     Ngồi xuống ! Tôi cũng đang đến thụ giáo anh Lãng đây.

Rồi một tràng cười :

–     Không biết thì phải học. Bất học vô thuật mà. Không có kiến thức không làm nổi cách mạng vô sản đâu !

Lần thứ hai, anh Lãng rủ tôi đến nhà anh Lê Thuyết (lúc đó là giám đốc trường). Tình cờ có tướng Nguyễn Sơn đang ngồi đó nghe một cán bộ trung đội báo cáo gì đó với anh Thuyết. Chúng tôi định quay ra thì được tư lệnh gọi vào :

–     Không có vấn đề gì. Cứ vào đi !

Chúng tôi bước vào thì nghe đồng chí tư lệnh đang nói với đồng chí cán bộ trung đội một cách nghiêm khắc :

–      Chưa hiểu người ta thì phải tìm hiểu cho kỹ. Không được dùng một chữ « phức tạp » để nói đến anh em trí thức một cách tùy tiện như vậy. Phức tạp là thế nào nào ? Là cái mộc để che đậy sự thiếu hiểu biết về con người phải không ?

Một hôm đồng chí bảo tôi.

–     Chú tìm mượn cho tôi quyển  Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du của Nguyễn Bách Khoa có được không ?

Tôi đáp :

–     Báo cáo tư lệnh, ở nhà tôi có.

–     À thế thì tốt quá. Nhà chú ở đâu ?

–     Dạ, ở cách đây trên 80km.

–     Để tôi nói anh Thuyết bố trí cho chú về lấy nhé !

Sau đó ít lâu, chúng tôi ngồi mấy buổi liền ở trong một ngôi đình lớn gần ấp Liên Châu (Nông Cống) nghe thiếu tướng phê phán những quan điểm sai lầm của ông Nguyễn Bách Khoa trong cuốn sách ấy. Trong đó có chủ nghĩa duy vật địa lý về mối quan hệ giữa đôi tài tử giai nhân sinh thành ra thi sĩ Tố Như. Khi sách được trả lại cho tôi thì trên mép các trang giấy chi chít tiếng bạch thoại do đồng chí tổng tư lệnh ghi khi đọc.

Nhân một lần được đồng chí cho cùng đi dự đại hội Thanh niên Cứu quốc khu, đêm về nghỉ, tôi hỏi đồng chí vì sao thích truyện Kiều. Đồng chí chợt nhắm mắt lại một lúc rồi sau đó mới trả lời.

–     Hồi Vạn lý trường chinh, đi đến vùng núi Tuyết, tôi cùng hai đồng chí nữa đêm ngồi tựa vào gốc cây, đắp chung một cái chăn vỏ sui, sáng mai tỉnh dậy thì hai đồng chí bên cạnh đã ngã lăn ra mà chết cóng. Lúc ấy tự nhiên mình thấy nhớ quê hương một cách da diết và bỗng thốt lên mấy câu :

Chốc là mười mấy năm trờiNhung neo duong noi day (co chu thich)

Còn ra khi đã da mồi tóc sương.

Suốt dọc đường trường chinh, lội trong tuyết, ăn rễ cây nhưng mồm vẫn lẩm nhẩm mấy câu Kiều. Mình sống được có lẽ cũng nhờ truyện Kiều chăng ? Này chú, đọc đi đọc lại kỹ đi. Tôi nhớ hình như có ai đó khen Nguyễn Du là có « con mắt nhìn suốt sáu cõi, tấm lòng hiểu thấu ngàn đời » thì phải… Đúng, đúng đấy. Phải có nỗi đau lớn mới đi làm cách mạng được. Mà người cách mạng cũng là người có tình thương lớn, lớn lắm…

Cũng nhân dịp đó, tôi tranh thủ hỏi lan man sang những chuyện khác. Tôi nhớ khi hỏi về chuyện mãi võ Sơn Đông mà đầu óc tôi còn bị ám ảnh bởi loại tiểu thuyết võ hiệp của các ông Thanh Đình, Văn Truyền Phạm Cao Củng, đồng chí Nguyễn Sơn hỏi lại tôi :

–     Chú có biết ở nước ta ai giỏi thái cực quyền nhất không ?

Tất nhiên là tôi không biết. Tư lệnh cười :

–     Bác Hồ.

Rồi đồng chí kể  cho tôi nghe chuyện mãi võ Sơn Đông mà đồng chí được chứng kiến. Đồng chí kết luận :

–     Ta có câu :

Ở nhà nhất mẹ nhì con

      Ra đường còn lắm kẻ dòn hơn ta.

Đúng. Trong thiên hạ không thiếu chi người tài. Vấn đề là phải biết quí trọng, biết sử dụng người ta. « Dụng nhân như dụng mộc mà ».

Trong lúc vui, tôi hỏi :

–     Đồng chí nói to như vậy thì độ chừng bao nhiêu người nghe thấu ?

–     À… khoảng vài ngàn. Phải tập cho quen để mà đến được với đông đảo quần chúng…

Thấy đồng chí vui chuyện, tôi mạnh dạn hỏi về những « huyền thoại » mà tôi đã được nghe về đồng chí. Đồng chí bỗng nghiêm hẳn lại :

–     Trăm nghe không bằng một thấy. Chú còn trẻ, phải nhớ học cách nhìn người. Cách ngôn Pháp có câu : « L’habit ne fait pas le moine » (Cái áo không làm nên ông thầy tu). Đừng có trên những hiện tượng vụn vặt mà vội qui kết bản chất con người ta.  « Apparence trompeuse » (Bề ngoài đánh lừa), chú nhớ chứ.

Càng  đi tiếp trên đường đời, tôi càng thấm những lời của đồng chí dặn dò.

H.V.

 

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.