Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 31, 2014

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:32 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 2 tháng 8 năm 2014.

Một Phạm Quỳnh viết du ký

(Bài thu từ báo điện tử Đại biểu Nhân Dânhttp://daibieunhandan.vn hồi 8:39 ngày 13/2/2014)

Hương Sen

—o0o—

Không chỉ là nhà lý luận tiên phong về văn học hiện đại Việt Nam, một trí thức nặng lòng với văn hóa dân tộc, Phạm Quỳnh còn là nhà viết du ký xuất sắc thế kỷ XX.

Học giả Phạm Quỳnh (1892 – 1945) sinh tại làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, phủ Bình Giang, nay thuộc xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương. Với các bút danh Thượng Chi, Hoa Đường, Hồng Nhân, ông dành trọn cuộc đời để viết báo, làm chủ bút tạp chí Nam Phong, làm giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội, sáng lập hội Khai TrPham Quynh_deo bai ngaí Tiến Đức… Tên tuổi Phạm Quỳnh đã được khẳng định trong nhiều bộ từ điển danh nhân văn hóa, từ điển văn học, công trình nghiên cứu, chuyên khảo, luận văn. Từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, nhiều tác phẩm của ông đã lần lượt được sưu tập và công bố như: Mười ngày ở Huế (2001), Luận giải văn học và triết học (2003), Pháp du hành trình nhật ký (2004), Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam Phong (1917 – 1934), 3 tập (2007), Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (2007)…, và mới nhất là Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký (NXB Tri thức).

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, tác giả Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký nhấn mạnh: các trang du ký của Phạm Quỳnh thể hiện niềm tự hào dân tộc và cảm xúc chân thành trước vẻ đẹp non sông đất nước. Nhiều trang du ký của ông thực sự có giá trị sử liệu để xem xét nhiều sự kiện văn hóa – xã hội và định vị hoạt động tổ chức hành chính của giai tầng công chức thượng lưu dưới thời thực dân phong kiến. “Qua những chuyến du hành vượt biên giới, du ký của Phạm Quỳnh đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi chép, miêu tả sống động của người trải nghiệm. Phạm Quỳnh đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng ở thể tài du ký hồi đầu thế kỷ XX”.

Quá trình thực hiện Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký, Ts Nguyễn Hữu Sơn đã chọn in các bài viết hay về những nơi Phạm Quỳnh đi qua như: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Trảy chùa Hương, Pháp du hành trình nhật ký, Thuật chuyện du lịch ở Paris, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng, Du lịch xứ Lào. Trong từng tác phẩm, độc giả thấy được sự đan xen, hòa quyện của một ngòi bút đa phong cách – khi mang màu sắc của một nhà báo, một ông chủ báo; lúc mang văn phong của một nhà văn; khi viết trong tâm thế một nhà chính trị, một học giả. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, cho rằng, đọc các tác phẩm của Phạm Quỳnh, độc giả như theo chân ông viễn du từ Á sang Âu, từ Nam tới Bắc, đồng thời được thưởng thức tinh hoa văn học du ký – thể loại thịnh hành đầu thế kỷ XX và đang được ưa thích trở lại trong một vài năm gần đây.

Các tác phẩm du ký của Phạm Quỳnh thỏa mãn người đọc ở hai điều: kiến thức địa lý và những trải nghiệm thuộc về tinh thần. Trong Mười ngày ở Huế, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp phong cảnh Huế mà còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm du lịch đất Huế thuở đó: “… Muốn đi xem lăng phải đi vào ngày gió thu hiu hắt, giời đông u ám thì mới cảm nhận được hết cái thú thâm trầm…”. Một tháng ở Nam Kỳ lại là những trang viết sống động về Sài Gòn – Gia Định, “từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều tiến bộ hơn Hà Thành ta cả. Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây…”. Trong Pháp du hành trình nhật kýDu lịch xứ Lào, người đọc không chỉ được theo chân học giả tới những quốc gia khác mà còn được biết thêm những tư liệu mang giá trị lịch sử, để từ đó hiểu hơn nhiều sự kiện văn hóa – xã hội, hoạt động của giai tầng công chức thượng lưu thời thực dân phong kiến… Trảy chùa Hương thể hiện niềm vui khi khám phá một danh lam thắng cảnh, với những trang viết đầy tính nghệ thuật. Hay kết thúc Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng ông cũng nặng lòng với trách nhiệm của nhà văn ở đời là người gióng lên tiếng kêu cho mọi người nghe thấy đồng điệu mà đồng tình, đồng thanh mà đồng cảm. Tinh thần tự hào trước vẻ đẹp non sông đất nước, cùng với khát vọng thức tỉnh, thúc giục đồng bào trong nước tiến lên cho bằng người.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đọc các tác phẩm của Phạm Quỳnh, tìm hiểu con người ông, về những năm tháng ông sống ở Huế và Nam Kỳ giai đoạn 1932 – 1945 cho thấy, ông đã nghĩ tới niềm mong mỏi của dân đối với đất nước: “… Tôi càng đi du lịch trong Nam Kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được…” (Một tháng ở Nam Kỳ). Từ đó, chân dung Phạm Quỳnh hiện ra như hình ảnh một trí thức giàu tâm huyết, một học giả uyên thâm, một nhà báo sắc sảo, một nhà văn hóa nhiệt tâm với quê hương đất nước. “Phạm Quỳnh cùng với các tác phẩm của ông đã đóng góp một phần quan trọng trong vấn đề thống nhất đất nước, thống nhất quốc gia, là những di cảo xuất sắc trong thế kỷ XX” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Đóng góp của Phạm Quỳnh không chỉ là kiến thức và tư liệu, mà còn là lối viết văn theo hướng hiện đại, gãy gọn, khúc triết và trong sáng. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đình Chú khẳng định trong bài Thượng Chi bàn về tiểu thuyết: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, trước Phạm Quỳnh, chưa ai nói về thể loại tiểu thuyết một cách có hệ thống và phong phú như thế. Dù không phải là người làm lý luận văn học, lý luận tiểu thuyết, ông có nhiều ý kiến đúng và xứng đáng là nhà lý luận tiên phong về văn học hiện đại Việt Nam”.

H.S.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.