Pham Ton’s Blog

Tháng Chín 21, 2012

Suy ngẫm về thân phận một trí thức

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:01 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 5 tháng 9 năm 2012.

Ra mắt tác phẩm Phạm Quỳnh – Một góc nhìn:

SUY NGẪM VỀ THÂN PHẬN MỘT TRÍ THỨC

Hữu Thu

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài chúng tôi thu từ www.daidoanket.vn ngày 4/9/2012.

—o0o—

Đêm 30-8, Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam đã tổ chức trang trọng buổi ra mắt giới thiệu tác phẩm Phạm Quỳnh – Một góc nhìn (tập 2) do TS sử học Nguyễn Văn Khoan biên soạn. Sách dày 300 trang do NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2012

Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của vùng đất cố đô Huế như Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, Nguyễn Xuân Hoa… đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Nếu ở tập 1 (xuất bản năm 2011), TS Nguyễn Văn Khoan chỉ tập hợp các bài viết đề cập đến nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh và số phận bi đát của ông, qua đó thể hiện quan điểm nhất quán đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này” thì ở tập 2 này với hơn 20 bài viết của các nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử, nhà báo và nhà giáo dục, tập sách đã tập trung giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Quỳnh với tư cách một nhà văn hóa.

Phát biểu tại đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã thẳng thắn thừa nhận: Cho đến nay tôi đã có gần 60 đầu sách về triều Nguyễn và Huế xưa… Có được thành quả đó nhờ tôi đã đi theo sự chỉ đường của tác giả Mười ngày ở Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận xét: Khép lại cuốn Phạm Quỳnh – Một góc nhìn (tập 2), đúng như nhận định của GS Đinh Xuân Lâm, chúng ta lại có dịp để suy ngẫm về thân phận một con người, một trí thức, một nhà văn hóa tham chính đầy éo le. Nhưng có lẽ chừng ấy vẫn chưa đủ. Nói đến Phạm Quỳnh là nói đến một hiện tượng cần phải tiếp tục được soi sáng. Đặc biệt là những năm Phạm Quỳnh sống ở Huế từ 1932 – 1945, về những điều Phạm Quỳnh đã viết về Huế, về những bài viết liên quan đến Phạm Quỳnh và triều đình Huế, về những di tích, di vật Phạm Quỳnh đã để lại tại Huế đang được gìn giữ tại chùa Vạn Phước, tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế…

Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã nhận xét: Nội dung cuốn sách không chỉ cung cấp thêm cho bạn đọc nhiều tư liệu liên quan đến nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh mà điều có ý nghĩa hơn là từ trường hợp Phạm Quỳnh, chúng ta có được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về một lớp người có vai trò không nhỏ trong việc tiếp nhận một nền văn hóa khác, trong sự giao lưu Đông – Tây nhằm canh tân đất nước ở một giai đoạn lịch sử cụ thể khá phức tạp của dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê kết luận: “Như vậy, Phạm Quỳnh – Một góc nhìn (tập 2) trong khi giúp bạn đọc hiểu thêm Phạm Quỳnh, thấy rõ “cách thức” yêu nước của cụ Phạm, đã đồng thời gợi nhắc chúng ta cần phải có một cách nhìn lịch sử và khách quan khi đánh giá những hoạt động của tầng lớp trí thức, nhất là khi cuộc đấu tranh ý thức hệ còn chi phối nhiều mặt của cuộc sống. Điều đó không chỉ cần đối với việc “đánh giá lại” Cụ Phạm mà còn với nhiều trường hợp khác, ở cả những giai đoạn về sau, như đối với các trí thức do những điều kiện cụ thể đã phải sống bên kia chiến tuyến trong thời kỳ 1945 – 1975… Đó cũng chính là bài học sử dụng nhân tài, bài học đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện ngay sau ngày đất nước được Độc lập từ 2-9-1945”.

H.T.

Blog tại WordPress.com.