Pham Ton’s Blog

Tháng Chín 6, 2012

“Phạm Quỳnh là một học giả yêu nước nhưng cũng là một nhà chính trị ôn hòa”

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:40 sáng

Blog PhamTon năm thứ 3, tuần 3 tháng 9 năm 2012.

 

“PHẠM QUỲNH LÀ MỘT HỌC GIẢ YÊU NƯỚC

NHƯNG CŨNG LÀ MỘT NHÀ CHÍNH TRỊ ÔN HOÀ”

Giáo sư Lê Xuân Khoa

Lời dẫn của Phạm Tôn: Giáo sư Lê Xuân Khoa, năm 1950 dạy học ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học Văn Khoa và Sư Phạm, năm 1953, ông vào Sài Gòn dạy học và viết sách giáo khoa. Năm 1960, học triết học tại Đại học Sorbonne (Pháp). Đã sang Ấn Độ nhiều lần để nghiên cứu triết học. Ông từng giảng dạy triết học tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, và văn minh Việt Nam tại  Đại học Đà Lạt, Minh Đức và Vạn Hạnh. Chức vụ cuối cùng của ông ở Việt Nam là Phó Hiệu trưởng Đại học Sài Gòn. Phần trích này rút từ “Chương I” sách Việt Nam 1945-1995, của giáo sư Lê Xuân Khoa, do Nhà xuất bản Tiên Rồng, Hoa Kỳ, in năm 2004.

Năm 1990 ông là giáo sư trường Đại học Hopkins, Hoa Kỳ.

—o0o—

Đến đây cũng cần nói đến trường hợp của Phạm Quỳnh, Ngự Tiền Văn Phòng (Thực ra là Thượng Thư Bộ Lại – PT chú) (tương đương với chức Thủ tướng) của Bảo Đại. Chính phủ  Nhật giữ Bảo Đại nhưng không muốn giữ Phạm Quỳnh vì ông là người bị coi là thân Pháp. Thật ra, Phạm Quỳnh là một học giả yêu nước nhưng cũng là một nhà chính trị ôn hoà, chủ trương rằng Việt Nam thời đó không thể chống nổi Pháp nên cần phải học hỏi văn minh Tây phương qua văn hoá Pháp để dần dần đòi lại quyền tự chủ. Trong một bản phúc trình cho nhà cầm quyền Pháp ở Huế sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đại sứ Yokohama thuật lại buổi yết kiến vua Bảo Đại để báo tin việc chính phủ Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và trao trả độc lập cho Việt Nam. Phạm Quỳnh hiện diện trong buổi tiếp kiến này yêu cầu Nhật Bản thừa nhận nền độc lập của Việt Nam một cách chính thức vì Pháp đã bị tước quyền bảo hộ. Ông nhấn mạnh rằng: “Để chúng tôi có thể hợp tác hữu hiệu với Nhật Bản, chúng tôi cần phải có được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, và để đạt được điều đó, uy tín của chính phủ chúng tôi cần phải được tăng cường bằng một hành động long trọng tuyên cáo độc lập” Yokohama trả lời rằng việc tuyên cáo độc lập có thể chứng tỏ chủ quyền là hành động nội bộ mà “Ngài có tự do tuyệt đối để hành động theo sự phán xét của chính phủ Ngài”. Tuy nhiên, Yokohama lại cho biết là vì muốn sớm vãn hồi an ninh và trật tự và “bảo vệ xứ này chống lại cuộc xâm lăng của quân địch trong tương lai”, Bộ Tư lệnh quân đội Nhật “mong muốn rằng hiện trạng chính trị và hành chánh được duy trì nhiều chừng nào hay chừng nấy”. (Masayuki Yokohama viết bản phúc trình 112 trang đánh máy cho nhà cầm quyền Pháp, nhan đề “Mémories personels écrits en réponse au questionnaire des autoriés francaises de Hué sur les événements en Indochine en Mars 1945 (Hồi ký cá nhân viết để trả lời bản câu hỏi điều tra của nhà chức trách Pháp ở Huế về những sự kiện xảy ra ở Đông Dương tháng 3/1945)

L.X.K.

 

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:32 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 3 tháng 9 năm 2012.

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là toàn văn bài đăng trên trang nhất báo Nhân Dân số ra ngày 2/9/2012.

—o0o—

Cách đây tròn 67 năm, sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Ðộc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới rằng, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền Chủ Nghĩa Xã Hội.

Ngay từ khi ra đời, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, nạn đói hoành hành, vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc, Nhà nước ta – Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông – Nam Á đã thể hiện rõ bản chất một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, bảo vệ và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường Xã  Hội Chủ Nghĩa (XHCN). Qua hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH đã được đẩy mạnh; tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện hơn; phương thức hoạt động của Nhà nước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong những năm qua còn một số hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quản lý đất nước.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 67 năm Quốc khánh 2-9 trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, các Nghị quyết của Quốc Hội khóa XIII, đặc biệt là Nghị quyết Trung Ương 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay, Kết luận Hội nghị Trung Ương 5 (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung Ương Ðảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Ðây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra những yêu cầu mới trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng phải là một Nhà nước đủ khả năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật, chăm lo, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Một nhà nước với thể chế dân chủ, minh bạch; bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh và tinh thông nghiệp vụ.

Ðể đáp ứng những yêu cầu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết hiện nay là chúng ta cần sớm hoàn thiện bộ máy Nhà nước và hệ thống pháp luật để tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần Hội nghị Trung Ương 5 (khóa XI) vừa qua. Trên cơ sở Hiến pháp, Nhà nước cần xây dựng cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền dân chủ của công dân để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính Nhà nước và cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Ðồng thời, kiên quyết trừng trị mọi hành vi xâm phạm lợi ích quốc gia và của công dân.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân ta. Kỷ niệm Quốc khánh năm nay cũng là dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Tưởng nhớ Người, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, mỗi  chúng ta hãy nêu cao ý chí cách mạng, tích cực học tập, lao động sáng tạo, đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng Nhà nước ta thật sự là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ðó cũng là hành động thiết thực thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân“.

Nhân Dân.

 

Phạm Quỳnh – những góc nhìn từ Huế

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:16 sáng

Blog PhamTon năm thứ 3, tuần 3 tháng 9 năm 2012.

 

Phạm Quỳnh – những góc nhìn từ Huế

            Thanh Tùng

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài nhà báo Thanh Tùng gửi cho chúng tôi từ Huế ngày 2/9/2012.

—o0o—

            Nhận dạng lại chân dung nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh có khá nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá là khách quan và khoa học. Phạm Quỳnh – một góc nhìn (PQMGN) là công trình biên khảo của Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan. Tác phẩm được NXB Công an nhân dân cấp phép và ấn hành quý 3/2011. Cuốn sách khá dày dặn, gần 300 trang khổ 13×19, tư liệu phong phú, chân thực và khách quan, được đông đảo độc giả đón nhận, dư luận đánh giá cao. Đúng một năm sau, quý 3/2012, tác giả tiếp tục cho mắt tập 2, dày hơn 300 trang, cũng do Nhà xuất bản Công an nhân dân cấp phép.

Tại Trung tâm Du lịch Huế xưa – Huế nay, thành phố Huế, đêm 30-8-2012,  Hội đồng họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và gia đình tác giả tổ chức ra mắt tác phẩm PGMGN.

          PQMGN tiếp tục khẳng định những đóng góp của Phạm Quỳnh trên nhiều lĩnh vực. Điều lý thú, từ cuộc toạ đàm này cho thấy còn rất nhiều tư liệu mới, nhiều góc nhìn mới, trong đó có những góc nhìn riêng từ Huế về Phạm Quỳnh đủ sức gây cảm hứng cho tác giả Nguyễn Văn Khoan tiếp tục công trình biên khảo PQMGNtập 3.

   Nhà nghiên cứu (NNC) Phan Thuận An gần đây tìm thấy hai tờ Châu bản triều Nguyễn liên quan đến chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa. Hai tờ Châu bản này do cụ Phạm Quỳnh làm tờ trình để vua Bảo Đại châu phê. Lần này, trong hàng ngàn cổ vật lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, Phan Thuận An đã nghiên cứu và giới thiệu về bức Trấn phong Thiên tử từ thần, một tư liệu quý, có giá trị văn bản học, một sự tôn vinh về cả tài năng và nhân cách của thuộc cấp, của những người bạn đồng liêu đối với cụ Phạm Quỳnh – một người rất giỏi về văn chương, có công lớn trong việc phò tá nhà vua về lĩnh vực này.

            Tâm phục khẩu phục bút ký Mười ngày ở Huế, NNC Nguyễn Đắc Xuân chia xẻ về sự tác động và ảnh hưởng rất lớn của Phạm Quỳnh đối với bản thân mình trong quá trình nghiên cứu Huế, viết sách giới thiệu về Huế. Cũng từ những nội hàm văn hoá Huế và vị thế của Huế được cụ Phạm phân tích, bình luận trong bút ký này Nguyễn Đắc Xuân đã có một tham luận, đề xuất mô hình xây dựng Huế trở thành thành phố nhân văn.

            Dưới góc nhìn của một nhà phê bình văn học, PGS-TS Hồ Thế Hà phân tích và đánh giá “ký văn học, ký văn hóa – một phẩm tính đem lại sự thành công và sức sống nhân văn bền vững cho những trang viết  giàu cảm xúc – trí tuệ – nghệ thuật của Phạm Quỳnh.”

Đọc bài của GS Nguyễn Đình Chú, nhà văn Hà Khánh Linh rất tâm đắc và rất cảm động khi thấy người tự nhận mình từng là “đối phương” của cụ Phạm đã có sự “đổi giọng” với lý do lịch sử cần được nhìn nhận lại. Hà Khánh Linh xem sự “đổi giọng” ấy là thái độ và vai trò của trí thức. Kẻ sĩ xưa nay vẫn tích cực góp phần minh định lại nhân cách của nhân vật lịch sử một thời bị nhìn nhận chưa đúng. Họ làm việc này vì triều đại mình đang sống, đang cống hiến, đang phụng sự. Và sự “đổi giọng” của GS Nguyễn Đình Chú hôm nay không ngoài lẽ ấy.

          Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, người suốt 30 năm qua canh cánh một nỗi lòng với Vùng sâu. Với cụ Phạm, Tô Nhuận Vỹ cũng có một niềm sâu thẳm. Ông đề nghị: Đã đến lúc Nhà nước cần kết luận và vinh danh chính thức sự đóng góp lớn lao cho Văn hóa dân tộc của cụ. Bởi đã có nhiều hội thảo, nhiều cuộc kỷ niệm về Phạm Quỳnh, nhiều nhà xuất bản đã in lại nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh… khẳng định sự đóng góp to lớn của Phạm Quỳnh đối với sự gìn giữ, phát huy nền Quốc ngữ, nền văn học văn hóa dân tộc.

Cùng mạch tư duy với nhà văn Tô Nhuận Vỹ, ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Phê mở rộng vấn đề: Đây không còn là chuyện riêng của cụ Phạm Quỳnh.

          Chuyện riêng của cụ Phạm là gì?

  Ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), Phạm Quỳnh và cả nội các bị thay thế, ông đã lui về sống cuộc đời của người ẩn sĩ trong ngôi biệt thự bên bờ sông Lợi Nông, không tham gia chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim, không chạy theo người Pháp để được tỵ nạn, cũng không theo cách mạng. Ông nặng lòng với nước theo cách của mình.

Trong PQMGN, tập 1, (tr 178) tác giả có dẫn bản phúc trình ngày 8-1-1945 của Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn gửi cho Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux. Tờ phúc trình nhấn mạnh một số điểm sau đây:

            Phạm Quỳnh lặp lại điệp khúc yêu cầu chúng ta hoàn trả Bắc Kỳ về cho Hoàng Triều như Pháp quốc đã hứa…

 Phạm Quỳnh đòi hỏi chúng ta trong một thời hạn ngắn nhất, cụ thể nhất, phải hợp thức hoá việc phục hồi chủ quyền của Vương triều trên lãnh thổ Bắc Kỳ và Nam Kỳ…

Bề ngoài Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hoà hoãn, nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành, bất di bất dịch nơi ông ta…

Có một điều ai cũng phải thừa nhận, Phạm Quỳnh là người suốt đời cần mẫn với công việc, nếp nhà thanh bạch. Từng giữ nhiều trọng trách trong triều nhưng không có tài liệu nào cho thấy ông là kẻ tham quan, lạm dụng chức quyền cho những mục đích cá nhân. Xét về phương diện này, cho đến hôm nay ông vẫn là một tấm gương soi đối với những người được gọi là “công bộc của dân”.

          Về lĩnh vực báo chí và văn học, Phạm Quỳnh đã được nhận thức lại thỏa đáng, công bằng. Cũng có thể xem đây là một bài học chung để đánh giá lại những trường hợp có tình cảnh tương tự, kể cả trong và ngoài lĩnh vực văn học nghệ thuật, hay về mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị. Theo tiến trình đổi mới, có một cách nhìn khác về những nhân vật từng bị đối xử không thấu tình đạt lý như trường hợp Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường,  Phạm Quỳnh. Đây là những quan điểm cởi mở, một nền tảng văn hóa mới để làm cơ sở hòa giải, hòa hợp dân tộc.

T.T. 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vu Lan với gia đình Thượng Chi – Phạm Quỳnh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:11 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 3 tháng 9 năm 2012.

 

VU LAN VỚI GIA ĐÌNH THƯỢNG CHI – PHẠM QUỲNH

Thủy Trường

Trong khi, không ít “một bộ phận lớn” những người đang vỗ ngực tự xưng là … mà bản thân mình đã trở thành kẻ tham ô, tham nhũng, đục khoét, “những tên giặc nội xâm” (Lời Bác Hồ) hoặc dán lên trán mấy chữ “to, đẹp” mà lại cướp đất của dân, “cướp cơm chim của con trẻ” (Lời Bác Hồ) … trong khi…, trong khi…

Trước ông cha bòn từng xu, nay cháu con thu hàng tỉ đô la. Vẫn sống, vẫn đêm, ngày ra vẻ “Trung với … Hiếu với …”.

Thế mà có một “bộ phận không nhỏ”, nhiều gia đình đi theo Cụ Hồ, lao động chân chính, “yêu nước thương dân” (lời của Bác Hồ)… đóng góp nhiều công của, tinh thần và vật chất cho Tổ quốc. Có gia đình bị xử lý oan sai, mà không như lẽ đời là “thù phải trả”, thì họ lại nhẫn nhịn, nghĩa tình, nhân từ “giải oan” cho cả nhiều bên. Tại sao, là thường dân, bách tính, trăm họ làm được mà các vị “quan lớn” lại không thể làm được, không “xây” được mà còn “phá”.

Có lẽ, đó là lòng yêu nước của dân trong lòng vị tha của Đức Phật từ bi. Đó là gia phong nền nếp của gia đình. Còn nữa, đó là sự hiểu biết, khoa học, biện chứng của những con người có văn hóa, có học, có sự tự trọng, tự trọng nhân cách, phẩm giá của mình, của dòng họ, của gia đình hiểu thế nào là “đại Trung với Nước, đại Hiếu với Dân”.

Một trong những hiểu biết đó là – như lời nhà cách mạng yêu nước Nguyễn Ái Quốc năm xưa đã nói với các thanh niên yêu nước Ma-đa-gát-ca đang bị thuộc Pháp rằng: “Đau khổ là một trường học”. Đau khổ có thể giải thích bằng chữ nghĩa là … là… Nhưng đau khổ không thể đo được, biết được, cân được qua trái tim, qua tinh thần. Đau khổ không bao giờ là con suối nhỏ, đau khổ bao giờ cũng là đại dương, mênh mông, không thấy bến bờ, không bao giờ, không bao giờ… dứt được. Nhưng đau khổ cũng là một trường học. Học để biết khổ đau, giữ khổ đau, nén khổ đau, để làm việc khác, việc lớn vì Nước, vì Dân.

Đau khổ nhất là mất Nước, rồi đến mất cha không còn mẹ, những núi Thái Sơn, những nguồn nguyên thủy. Tội lớn nhất là phản bội Tổ quốc, Dân tộc, Nhân dân – bất trung với nước và sau đó là “bất hiếu với cha mẹ, cộng đồng”… Nén đau khổ, để Trung với Nước, Hiếu với Dân không phải dễ làm, ai ai cũng làm được.

Ngày Vu Lan năm nay, lễ trọng để nhớ tới công lao sinh thành của bố, mẹ, ngày xá tội vong nhân, ở Cố đô Huế có một “lễ lớn” giới thiệu sách Phạm Quỳnh một góc nhìn (đây là “một cách làm khéo” – Lời Bác Hồ). Có lẽ những người chân chính, trung thực, là các nhà báo, nhà văn, nhà quản lý đến dự đều hiểu đó là giới thiệu “góc nhìn về Phạm Quỳnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Người đã gặp Phạm Quỳnh rồi mà năm 1945 vẫn lỡ dịp không gặp lại được, để đau buồn về những việc “bất tất nhiên” (không cần thế), những việc “bi thảm” làm đau khổ vị Cha già Dân tộc và Người đã yêu cầu “lịch sử xem xét lại sau này…”.

Thưa Bác, lễ Vu Lan, Lễ Xá tội vong nhân năm nay trên sông Hương, nơi Phạm Quỳnh có duyên và có nợ, một vòng hoa trắng lịch sử đã được kính cẩn đặt xuống nước sông này, mong sao vòng hoa sớm ra biển Đông, ra biển giải oan cho Phạm Quỳnh và những người còn lại, nhất định phải thế!

Mùa Vu Lan Nhâm Thìn 2012.

T.T.

Blog tại WordPress.com.