Pham Ton’s Blog

Tháng Chín 13, 2012

Mong một câu trả lời, một kết luận

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 3:39 chiều

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 4 tháng 9 năm 2012.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC BLOG PHẠM TÔN

MONG MỘT CÂU TRẢ LỜI, MỘT KẾT LUẬN

                                                                                 Nguyệt Biều

Có một tin rất hấp dẫn, lạ mà như quen, một tin “lịch sử” mà nhiều báo chữ chưa kịp đưa lên trang… Đó là tin, đêm 30/8/2012, trong dịp lễ Vu Lan – Lễ trọng Đạo Hiếu, ngày lễ “xá tội vong nhân”, tại Huế – một trung tâm văn hóa của Việt Nam 700 năm sáng chói, một trung tâm của Đạo Phật từ bi… đã diễn ra một cuộc tọa đàm về Phạm Quỳnh, thông qua cuốn sách mới xuất bản của một tác giả người Huế.

Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, các cụ hoạt động cách mạng lâu năm, đại diện một số cơ quan lãnh đạo, chính quyền, những người “quan tâm” đến “số phận éo le, bi thảm” (lời của Cụ Hồ) của Phạm Quỳnh đã đến dự. Có lẽ, đó không phải là một sự có mặt thông thường. Có lẽ, đó là “mệnh lệnh” của trái tim, khối óc của họ. Để biểu thị một chia sẻ thông cảm với người nhạc sĩ – con đẻ của nhân dân – giải thưởng Hồ Chí Minh – nhạc sĩ Phạm Tuyên – con trai của Thượng Chi Phạm Quỳnh – được mời đến dự.

Không khí chung của buổi tọa đàm như có hai chiều, không song song mà cùng đi về một đích: hoan nghênh các việc đã làm được, được phép làm ở Hải Dương, ở các nhà xuất bản, một số hội và  còn một băn khoăn, tin tưởng, hi vọng, đợi chờ…

Ở Hải Dương, Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo Tỉnh năm trước đã có một cuộc tọa đàm về nhà văn, nhà báo Phạm Quỳnh, đưa hình ảnh lên sóng, đưa nội dung lên báo in, vào các đĩa DVD…

Nhân dân Hải Dương – quê hương của Phạm Quỳnh đã công nhận “Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn”. Không phải đây là một “biến tướng” của “chủ nghĩa địa phương”, “lợi ích nhóm” mà là cả một tầm nhìn khoa học, từ quá khứ, hiện tại, cho đến tương lai. Công nhận của Hải Dương dần dần được đa số nhân dân trong cả nước công nhận.

Vậy là, sau Hải Dương, quê gốc của Thượng Chi – Phạm Quỳnh đã có tiếng nói rõ ràng, kiên định là đến Thừa Thiên Huế – nơi Phạm Quỳnh đã 13 năm sống, viết và làm Thượng thư triều Bảo Đại – coi như quê – quê “ra đi không có ngày về”, quê gửi cả thể xác, linh hồn (đang được giải oan) cũng đã lên tiếng, rất rõ ràng, minh bạch.

Nhân dân, dư luận đang chờ, chờ Hà Nội – nơi Phạm Quỳnh sinh ra, nơi Phạm Quỳnh cống hiến cho nền văn hóa nước ta bộ “tạp chí vĩ đại” Nam Phong… cả nước đang chờ Hà Nội “có ý kiến”.

Chờ ai? Chờ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và cả Ban Tuyên giáo Trung ương…

Và cũng chờ một đại biểu quốc hội, một nhà báo, một cây bút nổi tiếng, lại là Tổng thư ký một Hội lịch sử, như là đại diện cho “lịch sử”…

Chúng tôi đã được nghe thấy và hoan nghênh các “vụ” Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường… đã được “lịch sử đánh giá lại” (lời của Cụ Hồ). Nay mong một CÂU TRẢ LỜI, MỘT KẾT LUẬN về “vụ” Phạm Quỳnh.

                                                                               Đa tạ

                                                                         N.B.

                                                                            (4 giờ, 2/9/2012)

 Khi bài viết này đang đánh vi tính, đọc trên báo Tiền Phong, ngày 2/9/2012 đã thấy có bài của nhà báo Thanh Tùng – Phạm Quỳnh những góc nhìn từ Huế. Xin cảm ơn nhà báo.

N.B.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.