Pham Ton’s Blog

Tháng Chín 28, 2012

Rồi lịch sử sẽ công bằng

Filed under: Tư liệu quí hiếm về Thượng Chi - Phạm Quỳnh — phamquynh @ 7:58 sáng

Blog PhamTon năm thứ 3, tuần thứ 1 tháng 10  năm 2012

MỘT SỐ TƯ LIỆU QUÍ HIẾM VỀ THƯỢNG CHI – PHẠM QUỲNH ĐÃ ĐĂNG TRÊN BLOG PHAMTON HAI NĂM QUA

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhân dịp Blog PhamTon chúng tôi tròn hai tuổi, theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc yêu kính Thượng Chi – Phạm Quỳnh chưa có dịp đọc blog từ những ngày đầu, chúng tôi xin đăng lại một số tư liệu quí hiếm, hầu như trước nay không ai được biết về Thượng Chi – Phạm Quỳnh mà hai năm qua chúng tôi đã lần lượt đưa lên mạng. Chúng tôi đăng theo đúng nguyên bản đã phát trước đây.

*

*  *

RỒI LỊCH SỬ CŨNG SẼ CÔNG BẰNG

Nhà văn Nguyên Ngọc

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhà văn Nguyên Ngọc là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, những bút danh khác là Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Kim, tên thật là Nguyễn Văn Báu, sinh ngày 5-11-1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, xin gia nhập quân đội, tốt nghiệp Trường Lục Quân Khu V. Hầu hết thời gian 1951-1954, hoạt động ở vùng Tây Nguyên, chiến trường chính của Liên Khu V bấy giờ. Chính điều đó đã dẫn đến thành công của tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên (1956), được tặng giải nhất về tiểu thuyết trong Giải Thưởng Văn Học 1954-1955 của Hội nhà Văn Việt Nam. Sau đó, cho in Mạch nước ngầm (1960) và tập truyện ngắn Rẻo cao (1961). Năm 1962, trở lại Tây Nguyên và Quảng Nam, ông tiếp tục sáng tác với bút danh Nguyễn Trung Thành. Năm 1969, có tập truyện và ký Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc nổi tiếng với truyện ngắn Rừng xà nu và tùy bút Đường chúng ta đi. Năm 1971 và 1974, phần 1 và 2 tiểu thuyết Đất Quảng ra mắt bạn đọc…

Sáng tác của Nguyên Ngọc không nhiều về số lượng, nhưng gây được ấn tượng mạnh với người đọc. Ông nhận thức rõ ràng về những hạn chế mang tính lịch sử của một thời đã qua để hướng tới sự đổi mới, đó chính là kết quả của sự nhạy cảm trong tư tưởng của nhà văn. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Dịp nhà xuất bản Tri ThứcTrung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây tổ chức buổi ra mắt bản dịch Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 của Phạm Quỳnh, nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Đầu thế kỷ XX, chúng ta đã có những người khổng lồ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi. Không phải mọi kiến giải của họ đều đúng đắn, nhưng những vấn đề họ đặt ra đến nay vẫn còn tính thời sự”

Dưới đây xin mời các bạn đọc bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc đăng trang 13 báo Tuổi Trẻ ngày 7-12-2007. Tiếp đó là bài Lịch sử sẽ công bằng với Phạm Quỳnh cha tôi của nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong.

—-o0o—-

Không như các tác phẩm khác của Phạm Quỳnh đã được in lại trong những năm qua đều viết bằng tiếng Việt(*), tập tiểu luận lần này vừa được dịch và xuất bản vốn được viết bằng tiếng Pháp.

Có lẽ trước hết cho tôi nói điều này: cách đây mấy mươi năm một người tự coi mình là rất bác học và cũng đầy quyền lực đã chế giễu: tiếng Pháp của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để lòe người An Nam, chữ Hán của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để bịp người Tây!

Là một trong những người dịch tác phẩm của ông, tôi thấy có lẽ Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trong sáng, sang trọng, trang nhã và đầy âm vang, chỉ có thể có được trên cơ sở một vốn tri thức uyên thâm về văn hóa và văn minh không chỉ của Pháp mà còn của cả phương Tây cổ kim. Và vốn Hán học cùng tri thức về phương Đông của ông cũng rộng sâu không kém. Những người dịch đã rất cố gắng để mong chuyển được một phần vẻ đẹp văn chương Pháp, chỉ riêng điều này thôi đã rất quí rồi, trong tác phẩm này.

Vì sao ông viết bằng tiếng Pháp? Vì đối tượng mà ông muốn nhắm đến: người Pháp ở chính quốc và ở VN. Ông muốn nói với họ ở tầm cao nhất, quan trọng nhất và do vậy cũng nghiêm trọng nhất của vấn đề, ở tầm cuộc va chạm chấn động giữa phương Đông và phương Tây trong thời cận đại và hiện đại, trong đó có số phận của dân tộc ta mà suốt đời ông tha thiết trăn trở. Rất sáng suốt, ông nói: “Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận… không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác…”.  Lại cũng rất thực tế, ông bảo rằng: “Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta để có thể khác đi. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện tại, tương lai với những hi vọng của tương lai là đủ để chúng ta quan tâm…”. Hãy để cho những đại diện chân chính và ưu tú của các nền văn hóa nói với nhau, có thể có một con đường đi và một tương lai được thiết kế như vậy giữa các dân tộc. Ông mong muốn các dân tộc đến với nhau trong hiểu biết và tôn trọng các giá trị của nhau, ông muốn nói với người Pháp về dân tộc mình, những chiều sâu thăm thẳm đã tạo nên sức sống ngàn đời của dân tộc này, nền văn hóa mềm dẻo mà bất diệt của nó, số phận nó có thể và cần được có. Chính vì vậy mà cuốn sách viết cho những người mà lịch sử đã đặt vào một vị trí thống trị chẳng hay ho gì trên đất nước này, thậm chí có thể đi ra ngoài ý định của tác giả nữa, đã trở thành một công trình nghiên cứu súc tích, sâu sắc, tinh tế, toàn diện, khách quan, vừa lâu dài vừa nóng hổi tính đương thời về đất nước và dân tộc ta mà ông da diết muốn tìm một con đường đi ra trong những điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn và éo le.

Những mong muốn ảo tưởng, và những trăn trở tìm tòi mà một người đã thất bại trong lịch sử đã cố tạo nên để làm nền tảng cho những mong ước đó, lại có thể rất có ích cho hôm nay. Đọc cuốn sách này, do vậy, sẽ có thể rất ngạc nhiên về tính cập nhật bất ngờ của nó trên không ít phương diện, cả tổng quát lẫn cụ thể.

Lịch sử, trên con đường đi tới của nó, vốn rất dửng dưng và tàn nhẫn. Phạm Quỳnh, như chúng ta biết, đã có  số phận cá nhân bi đát. Nhưng rồi về lâu dài lịch sử cũng lại công bằng. Nó trả lại cho các nạn nhân của nó những giá trị không thể mất của họ. Bạn hãy cầm cuốn sách này trên tay và trân trọng đọc kỹ từng dòng của người xưa. Bạn đang làm một hành động chiêu tuyết đẹp đẽ mà cuộc sống giao cho chúng ta hôm nay đấy.

N.N.

(*) Đã có thể tìm thấy các tác phẩm viết bằng tiếng Việt của Phạm Quỳnh được tái bản: ThượngChi văn tập, Luận giải văn học và triết học, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật ký.

NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN:

LỊCH SỬ SẼ CÔNG BẰNG VỚI PHẠM QUỲNH CHA TÔI

(Nhạc sỹ Phạm Tuyên, người con thứ mười hai trong mười sáu người con của học giả Phạm Quỳnh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tiền Phong, đăng trang 8, số ra ngày 4-11-2007.)


Cuốn sách Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp gồm những bài diễn thuyết, những bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932 vừa được Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành.

Đọc cuốn sách, ta không khỏi ngỡ ngàng trước những áng văn tuyệt đẹp, nội dung ái quốc chất chứa trong một tâm hồn nhạy cảm, trí tuệ thâm thúy.

PV: Ông nghĩ gì khi cuốn sách của cụ thân sinh “Phạm Quỳnh – Những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp” được dịch và xuất bản?

NSPT: Tôi muốn nói lời cám ơn chân thành và vô cùng cảm động từ đáy lòng mình tới Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Tây, NXB Tri Thức, các dịch giả Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Khánh và Ngô Quốc Chiến, đã góp sức để các tiểu luận của thân phụ tôi được in thành sách.

Từ cuối những năm thế kỷ trước đã có nhiều bài viết về chủ bút Nam Phong. Kể từ năm 2000 tới nay, các NXB có uy tín trong nước đã cho phát hành hàng nghìn trang sách của học giả Phạm Quỳnh, được đông đảo người yêu văn học đón nhận: Mười ngày ở Huế (NXB Văn học – 2001), Luận giải Văn học và Triết học (NXB Thông tin – 2003), Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà Văn – 2004), Thượng Chi văn tập (NXB Văn học – 2007), Du ký Việt Nam (NXB Trẻ – 2007).

Tất cả các xuất bản phẩm trên, tôi chỉ được biết sau khi sách phát hành. Rất nhiều bài nghiên cứu, chuyên khảo về thân phụ tôi đã được đăng tải trên các báo và tạp chí trong Nam và ngoài Bắc như: Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển (Huế), Tạp chí Công giáo và dân tộc (TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Huế Xưa và Nay, các báo Tiền phong, Tuổi trẻ, Thể thao Văn hóa

Tôi nghĩ những việc làm này xuất phát từ lương tâm cao cả và trong sáng của giới văn học nước nhà, là nguồn động viên vô cùng có ý nghĩa đối với gia đình chúng tôi mà không một giải thưởng lớn lao nào có thể so sánh được.

PV: Ông nhận xét gì khi đọc những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh?

NSPT: Với sự hiểu biết của mình, tôi thấy chất lượng của những bài viết tiếng Pháp của cụ thân sinh tôi thật tế nhị, nhuần nhuyễn, đôi khi “chơi chữ” mà chính một học giả người Pháp đã phải công nhận sự uyên bác đó qua những bài diễn văn đọc tại Pháp năm 1922.

Có người đương thời cho là: “Phạm Quỳnh chỉ giỏi tiếng Pháp để loè người Việt Nam” là không thỏa đáng. Ngược lại, chính bằng tiếng Pháp, tác giả đã nói thẳng thắn nhất những suy nghĩ của mình về dân tộc, về văn hóa và nét đẹp Việt Nam cho người Pháp biết.

Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy thân phụ tôi đã đặt ra nhiều vấn đề lớn lao về số phận dân tộc. Ngoài vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, phát triển giáo dục, về giao lưu văn hóa Đông Tây, còn có những vấn đề về chính trị như độc lập chủ quyền của nước ta trong khối thịnh vượng chung (Commonwealth), giống như kiểu chúng ta tạm nhượng bộ Pháp sau Hiệp định 6/3/1946 khi sẵn sàng vào Liên hiệp Pháp, nếu chủ quyền của Việt Nam được giữ vững.

PV: Học giả Phạm Quỳnh trong thời buổi đó đã chọn một con đường riêng và kiên trì hướng đi của mình. Thân phụ ông chắc hiểu rất rõ tình thế của mình lúc bấy giờ…

NSPT: Chắc chắn thế. Thân phụ tôi từng tâm sự: “Tôi là người của buổi giao thời, sẽ khó có người hiểu được tôi… Người Pháp cho tôi là lợi dụng chức quyền để chống lại họ, còn người mình thì cho tôi là tay sai của Pháp”.

Bi kịch lịch sử này tới nay đã trôi qua hơn 60 năm, và tôi bỗng nhớ tới một câu trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn đại ý: Dư luận thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng AQ không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn; vì rằng nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn cơ chứ! Dù sao, tôi vẫn tin vào sự công minh của lịch sử.

PV: Vậy còn ông, ông đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình như thế nào?

NSPT: Tôi và anh Phạm Khuê tôi (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, đã mất) thực hiện lời dặn của hai bà chị tôi là bà Phạm Thị Giá (vợ GS Tôn Thất Bình, Hiệu trưởng trường Thăng Long) và bà Phạm Thị Thức (vợ GS BS Đặng Vũ Hỷ- Giải thưởng Hồ Chí Minh) khi gặp Hồ Chủ tịch mùa thu năm 1945: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này”.

Rất nhiều các vị trí thức, bạn bè tôi cũng động viên tôi. Những lời căn dặn đó đã giúp chúng tôi vượt mọi định kiến để vươn lên làm những điều có ích.

PV: Nhiều trước tác của Phạm Quỳnh đã được in, nhiều bài viết về Phạm Quỳnh đã được đăng tải công khai…

NSPT: Gần đây Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn VN đã cử cán bộ nhiều lần đến xin gia đình tôi những hiện vật của cụ thân sinh ra tôi nhưng không còn gì ngoài một số bức ảnh. Có tư liệu về một con phố ở Sài Gòn tên là phố Phạm Quỳnh nhưng không ai còn nhớ. Tôi đã hỏi Sở Địa chính, họ cũng chịu. Niềm an ủi lớn nhất là những trước tác của thân phụ tôi cách đây gần một thế kỷ đã lần lượt được giới thiệu với đông đảo các thế hệ sau này.

Tôi chỉ mong sau này khi có điều kiện sẽ tái bản cuốn tiểu luận dưới hình thức song ngữ, để những người am hiểu tiếng Pháp, những người bạn Pháp có thể tiếp cận với nguyên bản, và để con cháu chúng tôi ở hải ngoại sẽ thêm yêu quý quê hương Việt Nam, quê hương của ông, của cụ chúng nó.

PV: Cảm ơn ông!

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

(Thực hiện)

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.